Thờ Mẫu là một tín ngưỡng quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Qua tín ngưỡng thờ Mẫu, hình ảnh người phụ nữ, người mẹ Việt Nam được tôn kính đề cao, thấy được vai trò của người phụ nữ trong xã hội từ xưa tới nay.
Ở Bắc Giang có nhiều nơi thờ Mẫu chủ yếu trong các chùa, đền, điện... Trong số các ngôi đền thờ Mẫu, được quan tâm và chú ý nhiều hơn là đền Suối Mỡ ở xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam.
Tài liệu xưa ghi chép lại, đền Suối Mỡ là nơi thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn, từng được sắc phong của các triều vua là: “Thần thông quảng đại càn, thập nhị tôn nàng Vực Mỡ”. Đó là công chúa Quế Mỵ Nương con gái vua Hùng Định Vương có công giúp dân mở suối, mang lại nguồn nước, lương thực cho dân và 12 thị nữ theo hầu Bà.
Để tưởng nhớ công chúa Quế Mỵ Nương, người dân nơi đây đã xây dựng một quần thể di tích bên dòng Suối Mỡ tôn thờ Nàng và suy tôn là Thánh Mẫu Thượng Ngàn. Suối Mỡ được thiên nhiên ban tặng quanh năm nước chảy rì rào không ngớt, bắt nguồn từ khu vực Đá Vách và Hố Chuối rồi xuôi dòng qua năm bậc thác mẹ, thác con nối tiếp chảy dài. Tương truyền đó chính là dấu năm ngón tay của nàng công chúa Quế Mỵ Nương. Dọc theo con suối thiêng được nhân dân xây dựng một quần thể di tích: Đền Hạ, đền Trung và đền Thượng để ghi nhớ và tôn thờ bậc Thánh Mẫu. Dấu tích cũ cho biết, quần thể di tích có niên đại từ thời Lê – Mạc và đã được tu sửa, tôn tạo qua nhiều giai đoạn. Đền Hạ nằm kề bên dòng Suối Mỡ, ngày nay cơ bản kiến trúc ngôi đền là của thời Nguyễn. Từ cổng tam môn đến một số cấu kiện kiến trúc được tu sửa tôn tạo lại dưới thời Nguyễn và sau này. Trong đền bài trí theo đạo thờ Mẫu gồm hàng Thánh Mẫu tới hàng Quan, hàng chầu, ông Hoàng, các Cô, Cậu và Đức Thánh Trần. Đền Trung cũng nằm bên bờ Suối Mỡ cách đền Hạ khoảng 2km, bố cục kiểu chữ đinh, kết cấu vì kèo đơn giản. Trong đền cũng được bài trí tượng Thánh Mẫu và các tượng thờ khác theo đạo thờ Mẫu. Đền Thượng (đền Vực Mỡ) cách đền Trung khoảng 2,5km. Ngôi đền được tu sửa khang trang. Khu đền chính gồm hai động đá to và một số hốc đá nhỏ bao quanh. Trong đền được bài trí tượng thờ theo đạo thờ Mẫu. Ngoài ra, bên dòng Suối Mỡ còn có các di tích Bãi Quần Ngựa, Đền Trần, khu Ba Dinh Bảy Nền, chùa Hòn Trứng, đình Xoan và chùa Hồ Bấc có giá trị lịch sử văn hóa.
Lễ hội đền Suối Mỡ mở vào hai ngày 30 tháng 3 và mùng 1 tháng 4 âm lịch hàng năm. Xưa kia vào ngày hội chính dân làng Dùm rước kiệu Thánh về đền Hạ tế lễ bái vọng lên đền Thượng, dân làng Quỷnh rước kiệu Thánh về đền Trung tế lễ. Trong ngày hội, dân làng mở đấu vật, cờ bỏi, đánh đu, chọi gà, bắn cung, võ dân tộc... Buổi tối nhà đền tổ chức hát chầu văn. Đặc biệt trong nghi thức thờ Mẫu ở đền Suối Mỡ còn có lệ hầu bóng được diễn ra trong các dịp đầu năm và trong ngày lễ hội. Khách về lễ Mẫu và hầu bóng chủ yếu là khách thập phương từ Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn...
Biểu hiện rõ nhất trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở đền Suối Mỡ là tục giã bánh dày vắt cặp đôi để dâng thờ Thánh Mẫu trong ngày hội. Tục này diễn ra rất nhộn nhịp, người ta vừa giã bánh vừa nói vui: “Của bà thì méo/ Của tôi thì tròn/ Giã trật hai hòn/ Thờ Cô Tích Mễ”. Đây là nét văn hóa dân gian độc đáo thể hiện rõ tín ngưỡng nông nghiệp và tín ngưỡng phồn thực của người dân địa phương. Cô Tích Mễ tức bà Chúa Kho, chúa Gạo, chúa Lẫm là vị nữ thần nông nghiệp cổ xưa. Trong đền Hạ đặt ban thờ Chầu Bà là phân thân của Mẫu Thượng Ngàn, là người giữ của, ban phát lương thực hay cũng chính là Cô Tích Mễ. Sau hàng Quan là hàng Chầu Bà, dưới hàng Chầu Bà là hàng Cô, gồm 12 Cô, hàng Cậu rồi đến ông Hoàng. Cùng với việc thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn, quần thể di tích đền Suối Mỡ còn thờ các thần linh Mẫu Nhiên Thần và Mẫu Nhân Thần.
Mẫu Nhiên Thần gắn với lực lượng của tự nhiên là đất và nước. Biểu hiện rõ nhất là đạo Tứ Phủ tượng trưng cho bốn miền vũ trụ của trời đất gắn liền với đời sống người nông dân được hội tụ ở bốn vị Thánh Mẫu: Mẫu Thượng Thiên sáng tạo ra vạn vật trong vũ trụ, tạo mưa thuận gió hòa, tạo nguồn sinh lực, hạnh phúc. Mẫu khoác áo đỏ, bài vị, đồ lễ cúng có màu đỏ. Mẫu Thượng Ngàn: cai quản núi rừng, người giữ của cải mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc chính là sự phân thân từ công chúa Quế Mỵ Nương. Mẫu Thoải: cai quản miền sông nước, mang lại nguồn nước cho việc sản xuất nông nghiệp. Mẫu Địa: gắn với ý thức mong muốn về đất đai để sản xuất. Đi cùng đạo Tứ Phủ có Tam Tòa Thánh Mẫu. Xưa kia nhân dân địa phương thờ ba vị: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thoải và Mẫu Địa. Khi kinh tế phát triển xu hướng thương mại trong xã hội nhiều hơn, người ta lại bỏ Mẫu Địa và đưa Mẫu Thượng Ngàn vào thờ.
Mẫu Nhân Thần: là những nhân vật lịch sử, người có công với đất nước. Đó là các ông Hoàng, bà Chúa, ông Hoàng đệ nhất, ông Hoàng đệ nhị, ông Hoàng Sáu, ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Mười... Sau hàng Mẫu là ngũ vị Tôn Ông - những người thực hiện ý đồ của Mẫu sáng tạo là những vị thần có công với dân với nước
Đồng Ngọc Dưỡng