Hằng năm, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, hàng triệu du khách trong và ngoài nước lại nô nức hành hương về Yên Tử - Vùng đất Phật linh thiêng, huyền bí. Tuy nhiên, việc trải nghiệm từ phía Đông Yên Tử (Quảng Ninh) không còn là điều xa lạ và dần kém hấp dẫn, nhất là những du khách trẻ và người nước ngoài. Hiện nay, nhiều du khách, nhất là những người trẻ, ưa mạo hiểm, muốn trải nghiệm khám phá thì hầu hết có xu hướng chọn con đường lên chùa Đồng từ phía Tây Yên Tử (phía tỉnh Bắc Giang).
Xác định rõ lộ trình
Nếu bạn chưa bao giờ trải nghiệm cung đường này thì cần trang bị cho mình một số kiến thức trước cuộc hành hương thú vị này.
Việc đầu tiên là cần tra cứu thông tin về quãng đường, từ nơi xuất phát đến chùa Đồng qua Tây Yên Tử (chia sẻ kinh nghiệm của dân phượt trên internet khá phong phú), từ đó lên kế hoạch chi tiết về ngày, giờ và từng nội dung công việc.
Bạn cần biết, để lên chùa Đồng qua Tây Yên Tử phải đi bộ đường rừng, vượt núi với đoạn đường dài khoảng 6km. Với tốc độ trung bình bạn sẽ phải mất khoảng 3 giờ đồng hồ để leo lên chùa Đồng từ khu vực chùa Hạ (Tây Yên Tử). Đường xuyên rừng khá hiểm trở (chiếm khoảng hơn 1/3 quãng đường), bạn sẽ phải vượt qua một vài vách núi, đoạn suối cạn có độ dốc lớn (khoảng 400).
Thông thường, nếu thời tiết thuận lợi, du khách bắt đầu leo núi lúc 7 giờ sáng, đến khoảng 10 giờ là có thể lên đến chùa Đồng. Làm lễ xong sẽ xuống khu vực chân tượng Phật Hoàng nghỉ ăn trưa, ngắm cảnh… Đến 14 giờ, quay trở lại và kết thúc hành trình tại chùa Hạ lúc 16 giờ.
Hiện nay, du khách thường đi theo lối này vào mùa lễ hội (từ khoảng tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch), lúc này thời tiết còn khá lạnh. Tiêu chí về đồ dùng, vật dụng của du khách khi hành hương qua lối này là mọi thứ phải gọn, nhẹ, chắc chắn.
Những điều kiện cần
Người dẫn đường: Nếu bạn hoặc đoàn của bạn chưa từng trải nghiệm qua con đường này thì lời khuyên tốt nhất là bạn nên liên hệ trước với Ban quản lý khu du lịch văn hóa tâm linh Tây Yên Tử (thôn Mậu, xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) nhờ người dẫn đường – Số điện thoại: 0968.957.145 Anh Thanh. Tại chùa Hạ (Tây Yên Tử) hiện đã có dịch vụ này (chi phí khoảng từ 200 – 300 nghìn/lượt dẫn cả đi và về).
Ngoài ra, bạn có thể nhờ làm sẵn đồ ăn tại đây (gà nướng, gà luộc, xôi…, khoảng 300 nghìn/con gà nướng 1,5kg). Thông qua người dẫn đường bản địa, bạn còn được biết nhiều thông tin về văn hóa, con người nơi đây và cả lịch sử con đường tâm linh này.
Trang phục: Bạn nên chọn mặc quần áo ấm, chất liệu nhẹ (quần gió, áo lông vũ là tốt nhất) không thấm mồ hôi vì khi leo lên sẽ nóng, mặc quần áo nhẹ có thể cởi ra buộc vào người hoặc cho vào ba lô không làm tăng thêm trọng lượng. Tuy nhiên, khi lên đến đỉnh núi thì nhiệt độ sẽ rất thấp và có gió mạnh (rất lạnh). Do đó, bạn cần mặc trang phục giữ nhiệt và chắn gió tốt.
Giầy: Bạn nên chọn giầy thể thao (không thể đi giầy cao gót, hoặc giầy bệt), đế giầy phải có độ bám ma sát tốt.
Gậy: Đây là vật dụng không thể thiếu. Vì bạn phải vượt qua một số đoạn núi khá gập ghềnh hiểm trở nên cần có người bạn đồng hành này để giảm bớt mệt mỏi.
Găng tay (nếu cần): Nên chọn cho mình một đôi găng tay len hoặc sợi gai có độ bám tốt để có thể cầm nắm, vịn những cây cối hoặc vách đá khi leo.
Nước uống: Vì trèo núi mất nhiều sức và lấy của bạn nhiều mồ hôi, nên bạn cần chuẩn bị đủ đồ uống ít nhất phải 1 lít/người (nếu có nước khoáng hoặc nước chanh mật ong pha loãng, thêm chút muối càng tốt); hơn nữa, nếu lên đỉnh núi mua nước thì bạn sẽ phải chịu giá khá chát (không dưới 30 nghìn/chai 500ml).
Đồ ăn: Trước khi trèo núi, bạn nên ăn sáng (không nên ăn quá no, nặng bụng), nhưng đồ ăn phải giàu dinh dưỡng, nhiều calo (có thể ghé qua thị trấn Thanh Sơn cách chùa Hạ khoảng 3km có đủ các món ăn sáng). Ngoài ra, nếu đi nhiều người, bạn nên chuẩn bị đồ ăn lót dạ vào buổi trưa khi leo lên đến đỉnh chùa Đồng như: Xôi, gà, giò, bánh mì (nếu không muốn mang từ dưới lên, bạn có thể đặt đồ ăn người dân bản địa dựng lán trên lưng chừng trời, giữa chặng đường đi. Giá 1 con gà nướng khoảng 300.000đ. SĐT: 01632.434.468 Anh Cương).
Mũ mềm: Mặc dù khi đang leo núi không cần đội, nhưng khi đến đỉnh núi sẽ rất lạnh bạn nên đội mũ mềm (che kín tai càng tốt) phòng cảm lạnh do nhiệt độ thay đổi đột ngột.
Đồ y tế: Bạn nên chuẩn bị thuốc giảm đau, dầu gió, băng, bông… phòng các trường hợp bất trắc.
Đồ lễ: Bạn nên chuẩn bị đồ lễ chay (vì đi lễ Phật) như: Trái cây, bánh kẹo, hương, hoa,…
Tiền: Dĩ nhiên rồi, bạn cần mang theo tiền (khoảng 500 nghìn/người là đủ) để có thể mua một số đồ lưu niệm hoặc các loại lâm thổ sản (nếu thích). Tại cầu suối Nước Trong hay ngay tại khu vực chùa Hạ cũng có điểm bán lâm thổ sản và thuốc Nam (uống, xoa bóp) của đồng bào người Dao rất tốt.
Ba lô: Sau cùng, bạn cần có một chiếc ba lô nhỏ gọn đủ có thể chứa các vật dụng cần thiết của cá nhân cũng như đồ chung của cả đoàn (nước, mũ, dầu gió, khăn mặt, đồ ăn, dao gọt trái cây, kéo, dây buộc…)
Phương pháp leo núi
Sau khi đã chuẩn bị chu đáo các vật dụng trên, phương tiện bạn cần có thêm phương pháp leo núi phù hợp, hiệu quả, không mất nhiều sức.
Nếu bạn đi thành đoàn nhiều người, tất cả những đồ dùng, vật dụng chung (đồ ăn, nước uống, đồ lễ…) nên chia đều cho từng thành viên. Nên giữ khoảng cách tương đối gần giữa các thành viên vì bạn sẽ cần những cánh tay để kéo bạn lên trong tình huống hụt hơi vì mệt.
Phân phối sức cho hợp lý, hạn chế nói cười khi leo dốc cao
Đoạn đường bạn phải chinh phục dài khoảng 6km. Trong đó, đoạn đầu tiên dài khoảng 1,5km, địa hình tương đối dễ đi, bạn nên thong thả vừa đi vừa ngắm cảnh hai bên đường và hít thở không khí trong lành, đồng thời cũng để cho cơ thể thích nghi dần.
Đoạn đường tiếp theo (dài khoảng 2,5km), sau khi đến khu vực xây dựng chùa Trung bạn sẽ phải vượt qua khu vực địa hình khá hiểm trở, nhiều chỗ có vách đá, suối cạn có độ dốc lớn (khoảng 400). Để vượt qua đoạn này, bạn cần tập trung sức, không nói cười nhiều (mất sức), nên nghỉ giải lao khoảng 2 – 3 lần. Khi bước trên những tảng đá cổ phủ rong rêu bạn cần chắc chắn tảng đá đó không trơn trượt. Cùng đó, cần phát huy tốt vai trò của cây gậy trong tay bạn (lúc này, nó thực sự là một người bạn vô cùng hữu ích). Khi vượt qua những vách đá cao, bạn nên đi khom người về phía trước (khoảng 450) để phân tán trọng lực, tránh xảy ra trơn trượt.
Tuy nhiên, bạn cũng yên tâm, khi bạn vượt qua đoạn suối cạn khó khăn nhất, bạn sẽ được nghỉ ngơi và được mời thưởng thức trà nóng tại lán của người dân bản địa nhiệt tình, mến khách dựng lên tại đây. Họ còn tạo những bậc thang bằng gỗ để giúp bạn vượt qua những vách đá cheo leo ở đoạn này một cách dễ dàng (mỗi lần vượt qua 3 – 4 đoạn thang có thu phí 5000đ/người bao gồm cả lượt đi, lượt về).
Cuối cùng, vượt qua đoạn đường gập ghềnh, bạn sẽ nhận được cảm giác tuyệt vời của người chiến thắng sau khi chinh phục đỉnh cao. Ngoái nhìn lại, toàn cảnh quần thể di tích chùa Hạ và một vùng thiên nhiên núi non hùng vĩ, làng bản hữu tình phía Tây Yên Tử hiện ra trước mắt bạn.
Lên đến đỉnh núi, chỗ ngã ba, một đường rẽ trái sang chùa Thượng (Tây Yên Tử), rẽ phải để đi sang Đông Yên Tử lên chùa Đồng. Tại đây có tảng đá cổ hình con rùa rất kỳ thú. Bạn nên nghỉ giải lao tại đây và tự thưởng cho mình những bức Selfie tuyệt đẹp. Từ đây, bạn sẽ phải đi xuyên qua bạt ngàn rừng trúc để đến khu vực tháp 9 tầng và tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông rồi đi ngược lên đến chùa Đồng.
Sau khi làm lễ tại chùa Đồng xong, bạn có thể trở xuống khu vực chân tượng Phật Hoàng vào các quán ăn thuê bàn (100 nghìn/bàn), ăn lót dạ rồi thưởng ngoạn cảnh đẹp non nước mây trời từ trên đỉnh Yên Tử và mua sắm đồ lưu niệm, hoặc có thể mua tại chùa Hạ (Tây Yên Tử) sau khi trở về kết thúc cuộc hành trình.
Cẩn trọng khi xuống núi
Sau khi quay lại chùa Hạ (Tây Yên Tử), bạn vẫn cần dùng gậy để đi xuống. Mặc dù xuống sẽ nhẹ nhàng hơn lúc lên và thời gian cũng nhanh hơn (khoảng 1,5 giờ đồng hồ). Tuy nhiên, sau chuyến lên núi, lúc này cơ thể bạn đã khá mệt, hơn nữa, khi xuống toàn bộ trọng lượng cơ thể sẽ dồn hết vào hai chân, nhất là khớp gối và cổ chân. Do đó, tại những vị trí hiểm trở, khi xuống bạn cần hết sức cẩn trọng, không nên đi nhanh, nên xoay nghiêng người, cúi thấp xuống rồi thả một chân xuống trước, một tay chống gậy xuống cùng, thấy chắc chắn bạn mới nhấc nốt chân còn lại, người hơi nghiêng về phía sau mới bảo đảm an toàn không trơn trượt.
Mua thuốc xoa bóp
Chắc chắn sau cuộc hành trình, xuống tới chân núi khu vực chùa Hạ (Tây Yên Tử), toàn thể hai bắp chân và các khớp xương của bạn sẽ mỏi nhức. Có người còn rất đau khớp gối (bản thân tôi), thậm chí không thể đi được vì trọng lượng cơ thể đè lên đĩa đệm khớp gối và cột sống. Để nhanh chóng xoa dịu cơn đau, mỏi nhức cơ, xương, bạn nên chọn mua một chai rượu ngâm thuốc Nam theo phương thức bí truyền của đồng bào người Dao tại đây (ngay tại chân cầu suối Nước Trong hoặc tại chùa Hạ có bán 40 nghìn đồng/chai). Mua xong xoa bóp ngay, thêm một lần nữa trước khi nghỉ ngơi, qua 1 đêm sáng hôm sau bạn sẽ thấy một điều kỳ diệu của phương thuốc này. Tất cả đau nhức, mỏi mệt tan biến như không có chuyện gì xảy ra với cơ thể bạn (trải nghiệm của cá nhân).
Không xả rác bừa bãi
Trong suốt cuộc hành trình, bạn sẽ phải sử dụng nước đóng chai, túi chứa đồ ăn… Xin hãy mang theo và bỏ vào thùng rác (trên đỉnh phía Đông Yên Tử có thùng rác) hoặc mang về xả vào nơi quy định.
Chúc bạn có một chuyến đi thú vị và thành công!